Ngôn ngữ

Story | 06 Th8, 2018

Đánh bắt thủy sản bất hợp pháp trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: câu hỏi về phương án xử lý?

Vào tháng 4 năm 2017, IUCN đã dành một tuần tại Cù Lao Chàm (CLC) thuộc miền Trung Việt Nam để hỗ trợ thảo luận giữa Ban quản lý và các cộng đồng ngư dân địa phương về việc mở rộng phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển (KBTB) từ 2% lên 10% (tỉ lệ trung bình trên thế giới là 25%) nhằm thúc đẩy việc phục hồi nguồn lợi thủy sản. Lý do phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nhỏ như vậy là bởi khi KBTB này được thành lập vào năm 2005, đây là quy mô diện tích lớn nhất có thể đã được sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan.

content hero image

Photo: coral reef fish in Cu Lao Cham MPA © Cu Lao Cham MPA

Chỉ cách Hội An một chuyến đi tàu cano khoảng 20 phút, CLC đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam đã tiếp đón gần 500.000 khách du lịch vào năm 2017 và 150.000 khách chỉ trong 3 tháng đầu của năm 2018. Nguồn thu nhập chính của nhiều ngư dân hiện nay đến từ các hoạt động du lịch. Với 1% phí thăm quan của khoảng 1 triệu USD vào năm 2017 đã được UBND Tp Hội An phê duyệt cho công tác phát triển cộng đồng và kế hoạch quản lý tiểu khu đồng quản lý thôn Bãi Hương. Ban Quản lý KBTB CLC tin rằng bây giờ là thời điểm thích hợp nhất để mở rộng phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của KBTB CLC.

Thôn Bãi Hương, một trong những làng chài ở khu vực đông nam của đảo mà chúng tôi từng làm việc cùng rất sẵn lòng hợp tác về vấn đề này. Họ thậm chí đã thành lập một tiểu khu đồng quản lý khu bảo tồn biển. Tuy nhiên hai thôn Bãi Làng và Bãi Ông lại từ chối hợp tác trong vấn đề này. Họ hiểu rõ những lợi ích thủy sản dài lâu mà việc mở rộng phân khu bảo vệ nghiêm ngặt sẽ mang lại, tuy nhiên lại không đồng ý hợp tác cho tới khi các hoạt động đánh bắt thủy sản sử dụng lưới cào và lặn bất hợp pháp trong KBTB chấm dứt. Đây là một lý do hoàn toàn có thể hiểu được: tại sao ngư dân CLC nên nỗ lực giảm thiểu việc đánh bắt thủy sản nếu như cuối cùng những ngư dân ở khu vực khác lại cướp mất lợi ích của họ?

Vào tháng 4 năm 2018, IUCN cùng Tổng cục Thủy sản (TCTS) thuộc Bộ NNPTN đã tổ chức hội thảo tại Hội An để thảo luận những phương án khả thi. Buổi hội thảo lần này được tổ chức là do Liên minh Châu Âu quyết định đưa ra "thẻ vàng" đối với Việt Nam, tức lời cảnh cáo cuối cùng yêu cầu chính phủ phải có hành động trước khi đặt lệnh cấm vận lên tất cả các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Châu Âu (https://www.ft.com/content/963c4aa8-e6c4-11e7-97e2-916d4fbac0da). Trong năm 2017, sản lượng thủy sản xuất sang Châu Âu có giá trị lên tới 1,5 tỉ USD, điều này có nghĩa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đánh mất một nguồn kinh tế khổng lồ.

Chính phủ đã và đang thực hiện những bước mà TCTS trình bày nhằm đảm bảo việc gỡ bỏ thẻ vàng. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 45 "Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)" vào tháng 12 năm 2017 và Chỉ thị số 78, Kế hoạch hành động IUU, vào tháng 1 năm 2018. Kế hoạch hành động này bao gồm mức phạt cao hơn rất nhiều với chủ tàu đánh bắt cá bất hợp pháp, với mức phạt cao nhất lên tới 1 tỉ đồng. Các lãnh đạo cấp tỉnh hiện có trách nhiệm trực tiếp trong việc giải quyết những trường hợp đánh bắt cá bất hợp pháp. Đã có những chiến dịch truyền thông được thực hiện để phổ biến những quy định mới này. TCTS hiện đang soạn thảo một nghị định về KBTB cho Luật Thủy sản sửa đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1 năm 2019.

Tuy nhiên phát biểu của các ngư dân CLC giàu kinh nghiệm tại buổi hội thảo là anh Xà, anh Hùng, anh Nam và anh Huỳnh đã làm nổi bật khó khăn mà kế hoạch hành động sẽ gặp phải. Lợi nhuận đến từ việc đánh bắt cá bất hợp pháp cao tới mức những mức phạt này không có tác dụng ngăn chặn; thay vì đó lại bị coi là chi phí kinh doanh. Đây là lý do có rất nhiều người đã tái vi phạm. Nếu lợi nhuận được xem như hấp dẫn hơn việc phòng chống các vi phạm ngay từ ban đầu thì việc chấp nhận phạt tiền đang là những rủi ro về vấn đề đạo đức.

Họ cũng cho biết những người đến từ ngoài KBTB đang đuổi ngư dân địa phương đi, sử dụng phương pháp đánh bắt càng ngày càng thô bạo và phá hoại như xung điện, lưới có mắt lưới kích cỡ rất nhỏ và bẫy cá dài hạn. Thậm chí chính những doanh nghiệp hợp pháp cũng có thể phá luật mà không bị trừng phạt. Khi ngư dân địa phương đối chất những tàu đưa du khách tới lặn ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, những tàu này lại nói là doanh nghiệp đã trả phí cho chính quyền nên muốn làm gì cũng được. Theo lời của một ngư dân, cấp chính quyền có vẻ quan tâm nhiều đến quyền lợi của người ngoài hơn là dân địa phương.

Bởi vậy nên mặc dù ngành du lịch đang phát triển mạnh mẽ, quyền kiểm soát lại nằm trong tay những công ty tàu thuyền có trụ sở đặt tại Hội An, còn người dân của khu vực không được hưởng nhiều lợi ích. Ngư dân ở đây cũng đã thể hiện mong muốn được giữ gìn nghề sinh kế truyền thống của họ. Họ có thể thấy được nhiều du khách đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ hải sản quý hiếm đắt tiền nhất tăng vọt. Số lượng ốc biển và bào ngư đang nhanh chóng thụt giảm, từ khi còn dồi dào cho đến bây giờ đã bị khan hiếm.

Về bản chất, Ban Quản lý KBTB CLC không có nhiều quyền lực: Họ chỉ có thể báo cáo hoạt động đánh bắt bất hợp pháp chứ không thể có hành động gì. Điều này phản ánh thực tế là cấp chính quyền hầu như coi trọng các KBTB chỉ vì những lợi ích du lịch và đặt chúng lên trên lợi ích khai thác thủy sản. Tại CLC, Ban quản lý cùng bộ đội Biên phòng cũng đã tổ chức tuần tra. Tuy nhiên, việc tuần tra lại tiến hành theo một lịch cố địch, bởi vậy rất dễ trốn tránh. Miễn sao hoạt động đánh bắt diễn ra ngoài giờ làm việc thì sẽ không có khả năng bị bắt, hay như lời của một ngư dân: "chúng tôi không có sợ."

Các ngư dân yêu cầu phải có những phương án thiết thực ngay lúc này. Trước khi kết thúc hội thảo, IUCN đã trình bày quan điểm của mình, cho rằng việc "hoàn thiện khung pháp lý" là cần thiết, nhưng chưa đủ để giảm thiểu hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp ở mức đáng kể. Loại hình phạt có sức nặng thật sự ở đây chính là tịch thu tàu (và các thiết bị đánh bắt) nếu như bị bắt khi đang đánh bắt bất hợp phát. Đây là một bước đi cần tới sự đồng thuận và hỗ trợ từ các cấp chính quyền cao nhất. Cả bốn ngư dân đều tích cực tán thành với gợi ý này.

Thẻ vàng của Liên minh Châu Âu chính là cơ hội đặc biệt để các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam tiến hành những đổi mới mang tính căn bản giúp ngành thủy sản có một nền tảng bền vững hơn. Dựa vào nội dung buổi hội thảo, những bước chính cần thực hiện bao gồm: mở rộng mạng lưới MPA quốc gia với ít nhất 10% diện tích của MPA được bảo vệ nghiêm ngặt; đảm bảo các mức phát hiện và trừng phạt thật sự ngăn chặn được việc đánh bắt bất hợp pháp; và thành lập những nhóm đồng quản lý thủy sản mà ngư dân địa phương có thể tin cậy là chính quyền sẽ bảo vệ họ trước những ngư dân từ những khu vực khác đến đánh bắt. Đây không phải là những khuyến nghị mới, tuy nhiên trước nguy cơ bị cắt khỏi thị trường Châu Âu màu mỡ thì đã đến lúc phải hành động ngay.