Ngôn ngữ

Story | 01 Th6, 2020

OCEM: một cơ hội mới cho bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam

Công ước Đa dạng Sinh học (CBD), mà Việt Nam là một thành viên, đã công nhận các “biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác” (hay OECM) là phương thức bổ sung cho nỗ lực thành lập các khu bảo tồn chính thức. Điều này mở ra cho Việt Nam một cơ hội mở rộng và liên kết các mạng lưới bảo tồn của quốc gia.

Khu bảo tồn tại Việt Nam

Hệ thống khu bảo tồn chính thức được công nhận bởi pháp luật Việt Nam là các Khu Rừng Đặc dụng thuộc sự quản lý của Bộ Lâm nghiệp. Theo Quyết định 1171/QĐ năm 1986, các khu bảo tồn này được chia làm các phân hạng: I) các vườn quốc gia, và II) các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu văn hóa, lịch sử và môi trường. Trong năm 1986, bảy vườn quốc gia, 49 khu bảo tồn thiên nhiên, và 31 khu văn hóa, lịch sử và môi trường đã được thành lập. Năm 1999, Bộ NNPTNT quyết định mở rộng hệ thống rừng đặc dụng từ 1 triệu lên 2 triệu ha. Điều này dẫn đến việc thành lập 10 vườn quốc gia, 53 khu BTTN, 17 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, và 21 khu bảo vệ cảnh quan với tổng diện tích lên đến gần 2,3 triệu ha.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1976 đặt mục tiêu đến năm 2020 mở rộng tổng diện tích rừng đặc dụng lên 2,4 triệu héc-ta (khoảng 7% diện tích tự nhiên của cả nước) và đến nay mục tiêu này cũng hầu như đã đạt được. Tuy nhiên, hầu như không có triển vọng nào cho thấy Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 17% diện tích đất liền được bảo vệ vào năm 2020 như Mục tiêu Aichi 11 đã xác định:

Đến năm 2020, ít nhất 17% diện tích trên cạn và vùng nước nội địa, và 10% các vùng biển và ven biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, được bảo tồn thông qua hệ thống quản lý hiệu quả và công bằng, đại diện cho các hệ sinh thái, liên kết trong hệ thống các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn khu vực có hiệu quả khác, được lồng ghép kết nối với các cảnh quan trên cạn và trên biển rộng lớn hơn

Một trong những lý do quan trọng của việc giảm tốc độ mở rộng mạng lưới các khu bảo vệ là sự cạnh tranh về đất đai và nguồn nước phục vụ cho một quốc gia đang phát triển với 96 triệu dân. Một vấn đề khác là sự hạn chế của các nguồn tài chính có thể dùng cho việc quản lý các khu bảo vệ. Với nguồn lực mỏng và dàn trải, hiệu quả quản lý thấp, có rất ít động lực cho việc mở rộng thêm quy mô của hệ thống khu bảo vệ.

OECM tại Việt Nam

Mục tiêu Aichi 11 đề cập đến “biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác” (OECM). Và để hiểu khái niệm này, IUCN đã cung cấp tư vấn kỹ thuật cho các bên tham gia CBD, trong đó có Việt Nam và từ năm 2018 đã thông qua định nghĩa sau vể OECM:

Một khu vực địa lý được xác định nhưng không phải là Khu Bảo vệ, được quản trị và quản lý theo những cách thức giúp đạt được các kết quả tích cực và bền vững về mặt bảo tồn nội vi đa dạng sinh học cùng với các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái đi cùng và trong một số trường hợp, giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, tinh thần, kinh tế xã hội và các giá trị địa phương khác.

Các OECM là một cơ hội vừa để công nhận và đóng góp cho việc bảo tồn tính đa dạng sinh học bên ngoài các khu bảo vệ và cũng tạo động lực cho việc bảo tồn bên ngoài các khu bảo vệ thông qua việc xác định và hỗ trợ các OECM.  Việt Nam là nơi có nhiều vùng cảnh quan nông nghiệp rộng lớn trong đó có những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao hoặc những khu vực là đối tượng phục hồi hoặc tái thiết lập các chức năng hệ sinh thái tự nhiên nhằm mang lại các lợi ích về khí hậu hoặc đa dạng sinh học. Trong các cảnh quan này, có rất nhiều cơ hội để công nhận các OECM.

Ví dụ, một mục tiêu quan trọng của Nghị quyết 120 năm 2017 là giảm việc thâm canh cây lúa nhằm cho phép tái tạo chế độ thủy văn tự nhiên và phục hồi các chức năng hệ sinh thái của Đồng bằng Sông Cửu Long. Điều này mở ra khả năng chuyển đổi hàng trăm nghìn héc-ta ở vùng thượng đồng bằng chuyển đổi từ hai đến ba vụ lúa mỗi năm sang các loại hình sinh kế phù hợp hơn với lũ tự nhiên. Ngoài việc tăng khả năng chống chịu đối với lũ và hạn, việc này còn giúp phục hồi nguồn cá tự nhiên là giúp tăng cường đa dạng sinh học thủy sinh và đa dạng sinh học nông nghiệp.

Ở Tây Nguyên, cũng đang cần có sự chuyển đổi từ việc độc canh cây cà-phê sang các hệ thống xen canh nông lâm kết hợp bằng cách trồng xen với cây cà-phê các loài cây ăn quả khác như sầu riêng, chanh leo hay bơ. Tổ hợp cây trồng này mang lại giá trị cao hơn và đòi hỏi ít nước hơn, qua đó giúp giảm thiểu sức ép của việc thiếu nước trong mùa khô. Nếu việc chuyển đổi này được kết hợp với việc bảo vệ nghiêm ngặt các diện tích rừng tự nhiện còn lại, sẽ có nhiều diện tích lớn có tiềm năng được công nhận là OECM do chúng mang lại các lợi ích cả về đa dạng sinh học và kinh tế xã hội.

Ngay tại Hà Nội, OECM có thể là cơ hội để bảo tồn Bãi giữa Sông Hồng, một đảo phù sa bồi tụ khoảng 300 ha nằm giữa dòng sông Hồng, như một trong những điểm xanh hiếm hoi còn sót lại của thành phố, là nơi dừng chân quan trọng cho rất nhiều loài chim bộ sẻ di cư trong các đợt di cư mùa thu và mùa xuân. Trước đây, bãi này vẫn thường xuyên bị ngập và chỉ là nơi trồng chuối và một số loại hoa màu. Sau khi chế độ nước bị đập Hòa Bình điều chỉnh, nguy cơ lũ không còn nữa và đây có khả năng trở thành bất động sản có giá trị. Một vào công ty lớn đã quan tâm đến việc phát triển các dự án tại đây, và cùng có thể lồng ghép OECM vào các kế hoạch phát triển này.

OECM cũng tạo ra cơ hội để ghi nhận sự đóng góp mà các doanh nghiệp có thể tạo ra cho bảo tồn đa dạng sinh học. TH Milk, một trong những công ty sữa tư nhân lớn nhất Việt Nam, hiện đang có một quỹ đất rất lớn tại tỉnh Nghệ An, trong đó có 50 ha của nhà máy đường NASU. Phần lớn diện tích các hồ nhỏ và trảng cỏ trong nhà máy hiện đang được bảo vệ với mục tiêu tái tạo các sinh cảnh tự nhiên: không sử dụng hóa chất, không cắt cỏ, cây gỗ chết được để nguyên trạng. Sự đa dạng về côn trùng và các loài chim đã tăng lên nhanh chóng. Do được bảo vệ tốt, khu vực này có tiềm năng thành nơi để tái thả các loài rùa hoang dã đang bị suy giảm quần thể nghiêm trọng ngoài tự nhiên. Khu vực như vậy cũng có thể đáp ứng các tiêu chí OECM.

Xác định OECM

IUCN đang xây dựng các hướng dẫn để công nhận và báo cáo các OECM và dự thảo phương pháp luận để xác định các OECM (https://www.iucn.org/commissions/world-commission-protected-areas/our-work/oecms/oecm-reports). 

Một OECM cần phải đạt được 4 điều kiện sau. Nó phải nằm ngoài các khu bảo vệ; cần có ranh giới địa lý có thể xác định được, và có cơ quan có thẩm quyền quản trị và chế độ quản lý bền vững; nó phải mang lại kết quả bảo tồn đa dạng sinh học nội vi hiệu quả; và có tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học lâu dài. Các điều kiện này đặt ra tiêu chuẩn tuân thủ cao để tránh việc các khu được quản lý kém với những giá trị đa dạng sinh học hạn chế cũng được coi là OECM.

Bảng bên dưới tóm tắt bốn điều kiện, hay bài kiểm tra, và các câu hỏi đi kèm:

Four conditions of OECM Photo: Four conditions of OECM © IUCN Viet Nam
Vai trò tiềm năng của Bộ TN&MT

Bộ NNPTNT hiện đang quản lý hệ thống rừng đặc dụng quốc gia. Nhưng hệ thống này mới phủ một tỷ trọng nhỏ diện tích đất liền trong khi còn nhiều vùng có giá trị bảo tồn cao chưa được bảo vệ hoặc chưa được công nhận. Là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ TN-MT được giao trách nhiệm lồng ghép và thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học bên ngoài hệ thống rừng đặc dụng.

Một trong những cách thức mà Bộ TN-MT có thể thực hiện điều này là công nhận và báo cáo về các OECM khi đã có khung pháp lý cần thiết. Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, sẽ được trình Quốc hội vào năm 2020, và Luật Đa dạng Sinh học là các cơ hội để định dạng OECM trong luật. Khi OECM đã được luật pháp công nhận, Bộ TN-MT sẽ cần phải soạn thảo các văn bản quy định việc thực hiện, điều này có thể được thực hiện bằng cách điều chỉnh các hướng dẫn cho toàn cầu mà IUCN đã soạn thảo cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Khi đã có các văn bản hướng dẫn thực hiện OECM, Bộ TN-MT sẽ cần làm việc với các doanh nghiệp, các nhóm nông dân, các ban quản lý rừng, chính quyền các tỉnh và các cá nhân/tổ chức đang quản lý các quỹ đất rộng lớn với các giá trị đa dạng sinh học để xác định các OECM tiềm năng này. Vai trò này sẽ dựa trên thế mạnh của Bộ TN-MT là cơ quan xây dựng và vận hành các tiêu chuẩn, chứ không nhất thiết là với vai trò cơ quan quản lý đất đai.

Qua việc thực hiện OECM, Bộ TN-MT có thể tăng cường đáng kể vai trò của mình trong bảo tồn nội vi đa dạng sinh học bằng cách bổ sung thay vì chồng chéo với hoạt động do Bộ NNPTNT đang chịu trách nhiệm. Tiếp cận này sẽ không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết bảo tồn với cộng đông quốc tế mà còn cho phép bảo vệ thêm những sinh cảnh có tính đa dạng sinh học cao nhất nhưng lại đang bị đe dọa như các vùng núi đá vôi bị cô lập, các vùng đồng cỏ ngập nước theo mua, các bãi bùn ven biển vốn đang có ít đại diện trong hệ thống khu bảo vệ chính thức hiện thời.